Trong lời khai mạc kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng (3/02/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng:“ĐẢNG TA THẬT LÀ VĨ ĐẠI”. Người đã nêu lên vai trò, nhân tố quyết định của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa nhân dân ta từ “vong quốc nô” trở thành người chủ của một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, vững bước tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuối bài nói, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng trong 92 năm qua, chúng ta nhận thức được sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng sâu sắc.
Ảnh: Chương trình văn nghệ “90 Mùa xuân đất nước ta có Đảng”
Thật vậy, về bản chất, ĐẠO ĐỨC là một hình thái ý thức xã hội, là chuẩn mực xã hội phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và sự tiến bộ của xã hội. Bởi lẽ, ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của Dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng ta xác định rằng: Hễ còn một người Việt Nam bị nghèo nàn thì Đảng vẫn còn đau thương, cho đó là mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Đạo đức của Đảng tỏa sáng ở chỗ, Đảng luôn giáo dục đảng viên của mình phải xứng đáng là người lãnh đạo, xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; mỗi đảng viên phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đặt lợi ích của Nhân dân, của Đảng, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân; đảng viên phải là người : “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, mình vì mọi người … Đảng ta quan niệm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng: Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đòan kết của nhân dân. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân. Đạo đức cao nhất của Đảng là “lấy dân làm gốc”; lợi ích của Nhân dân là lợi ích của Đảng. Mỗi một người đảng viên hiểu ý nghĩa ĐẠO ĐỨC của Đảng là phải đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trước hết, lên trên hết góp phần làm cho đạo đức của Đảng tỏa sáng. Đạo đức của Đảng chính là ở sự kế thừa, phát triển, kết tinh tinh hoa của đạo đức Dân tộc Việt Nam. Đạo đức là cái gốc của văn hóa, văn minh. Bác Hồ nói đạo đức trước, văn minh sau, là vì lẽ đó. Nhiều dân tộc chưa có văn minh, song đã có văn hóa. Văn hóa súc tích, phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành văn minh.
Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết trí tuệ, khoa học, văn minh của thời đại, định hướng cho loài người phấn đấu đạt tới giá trị nhân bản nhất: giải phóng con người, đưa con người trở lại vị trí chân chính của mình và phát triển con người toàn diện. Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói như nhà thơ Xô Viết Ô Xíp man-đen-Xtam[1]: “Từ Nguyễn Ai Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu âu, mà có lẽ đó là một nền văn hóa của tương lai”. Suốt hơn 92 năm qua, từ ngày có Đảng, Nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Đó là những định hướng, mục tiêu to lớn, cao cả của Đảng. Do đó, Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, xây dựng Đảng thật sự vững mạnh, thực sự "là đạo đức là văn minh". Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Hướng tới kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng, suy nghĩ về Đảng càng thấy ĐẠO ĐỨC, VĂN MINH của Đảng tỏa sáng, lay động lòng người. Nhận thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu góp phần xây dựng Đảng trong sạch,vững mạnh, làm cho Đảng ta ngày càng đạo đức, ngày càng văn minh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Cao Lễ - Hoài Nguyễn
[1] Ôxíp Manđenxtam: “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc”, tạp chí Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923. “Trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”