Năm Ất Tỵ - 2025 nói chuyện rắn:
RẮN TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Rắn là tên gọi chung để chỉ một nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, không chân và thân hình tròn dài. Giống như các loài bò sát có vảy khác, rắn là động vật có xương sống, có màng ối, ngoại nhiệt với các lớp vảy xếp chồng lên nhau che phủ cơ thể. Trong mười hai con giáp, rắn là con giáp thứ 6 và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của nước ta. Rắn có tuổi thọ tương đối thấp so với các loài động vật khác. Trung bình một con rắn có thể sống từ 25 - 30 năm. Trên thế giới có gần 2.500 loài rắn. Nước ta có gần 150 loài rắn, trong đó có 13 loài rắn biển, 34 loài rắn độc.
Rắn có nhiều loại, có loại tên gọi dựa vào màu sắc như : rắn lục (màu xanh lá cây), rắn lục hoa cân (màu xanh điểm xuyết những sọc đỏ); rắn lục đầu bạc (các sọc trắng trên bộ da đen bóng); Cạp nong đầu đỏ (phần đầu và đuôi đỏ chót, thân đen); rắn lá khô đốm (phần thân màu đỏ điểm xuyết những đốm đen) rắn lửa, rắn hổ đất (màu đen xám), rắn sọc dưa (vằn sọc đen trắng pha vào nhau)... Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, người ta lại chia ra: Rắn hổ ngựa (loại rắn phóng, chạy nhanh như ngựa sải), rắn hổ hành (lúc nào cũng có mùi hành); Rắn hổ đất (thân đen bóng, đen mốc giống màu đất); rắn chuông (dùng đuôi để phát ra những tiếng kêu để xua đuổi, cảnh báo kẻ thù) ...
Trong tâm thức dân gian người Việt, thông qua ca dao, thành ngữ, tục ngữ có những câu ví người như loài rắn : "Bạnh cổ như cổ hổ mang"; người có hành động lén lút, sợ sệt : "Len lét như rắn mùng năm"; kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật : "vẽ rắn thêm chân". Nơi nguy hiểm ví như : "hang hùm miệng rắn". Đối với những kẻ phản bội gia đình, Tổ quốc thì : "Cõng rắn cắn gà nhà"; dự báo về thời gian thời tiết "Bao giờ cho đến tháng ba, ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng", "Rồng rắn lên cây, có cây núc nác, có nhà hiển vinh","Cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long/ Quả dưa chuột, truột một gang, thử ăn thì thử"; Lời chồng mắng vợ : “Con rắn không chưn nó lượn năm rừng bảy rú/ Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con/ Anh tưởng em má phấn môi son/ Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni”! … Thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian đề cập đến rắn lại liên hệ đến con người, thật là sâu sắc !
Trong văn học cổ, bài thơ “Rắn đầu biếng học” của Lê Quý Đôn rất là nổi tiếng. Lê Quý Đôn (1726-1784), người làng Duyên Hà huyện Duyên Hà, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình), nổi tiếng thần đồng từ bé. Tương truyền, thuở nhỏ, mải chơi, không chịu học, cha ông là ông nghè Lê Phú Thứ, gọi về định đánh roi phạt. Lúc ấy nhà đang có khách, khách xin cho, nghe nói Quý Đôn thông tuệ, khách lấy đầu đề “Rắn đầu biếng học”, ý nói bướng bỉnh lại lười, bắt làm một bài thơ Đường luật, mỗi câu đều có một con rắn, thì chắc cha sẽ tha tội cho. Lê Quý Đôn, ứng khẩu, đọc ngay : “Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu vết roi da/Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia” ... Cái hay, cái độc đáo của bài thơ là ở chỗ Lê Quý Đôn đã đưa tên rắn vào từng câu thơ, mỗi câu thơ có tên một loài rắn: rắn liu điu (câu 1), rắn đầu (câu 2), hổ lửa (câu 3), mai gầm (câu 4), rắn ráo (câu 5), thằn lằn (câu 6), hổ trâu (câu 7), hổ mang (câu 8). Bài thơ có nội dung, ý tứ sâu sắc, lại hoàn toàn đúng niêm luật của thể thơ thất ngôn bát cú và thể hiện rõ chủ đề hứa chăm học mà người ra đề đã yêu cầu. Lê Quý Đôn sau này trở thành nhà sử học, nhà thơ, nhà giáo, nhà chính trị tư tưởng lỗi lạc, có nhiều đóng góp to lớn đối với nước ta.
Trên thế giới, nhiều nước có tín ngưỡng thờ rắn. Hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia. Rắn được thần thánh hóa và tôn thờ và đi vào đời sống tâm linh. Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Hình dạng và đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông hay nguồn nước. Loài rắn có đặc tính lột da, do vậy nó biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử. Các hiện tượng tự nhiên như vòi rồng ở biển, các cơn lốc xoáy với hình thù uốn lượn đã được nhân cách hóa thành hình tượng rắn. Con người nhìn chung là sợ rắn, và vì sợ nên con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn để mong rắn bảo vệ cho mình. Ba biểu tượng y học liên quan tới rắn còn được sử dụng cho tới ngày nay là “Chén Hygieia”, biểu tượng cho dược học, và “Caduceus” cùng “Gậy Asclepius” là biểu tượng cho y tế nói chung. Ngày nay nọc rắn được sử dụng trong y học để chữa trị một số chứng bệnh hiểm nghèo. Ý nghĩa biểu tượng quan trọng nhất của rắn chính là sự thể hiện nguồn gốc của sự sống và vũ trụ, trên bình diện con người./.
Văn Anh (th)
Chú thích ảnh :
- Loài rắn hổ mang
- Các biểu tượng y học của rắn.