Suy nghĩ về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 

Suy nghĩ về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

 

Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về tư tưởng và đạo đức của Người, chúng ta đã nói nhiều. Xét ở khía cạnh phong cách Hồ Chí Minh, có thể thấy có mấy vấn đề lớn : Phong cách lãnh đạo, phong cách dân chủ, phong cách làm việc …

 Phong cách Hồ Chí Minh là tổng hòa các phương pháp, biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, trong đó vấn đề cốt lõi là phải dân chủ, nhưng khi cần quyết đoán phải quyết đoán. Bởi, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”[1]. Cùng với việc thực hiện nghiêm dân chủ, tập thể lãnh đạo, cần chú ý vai trò cá nhân phụ trách, nghĩa là nêu cao trách nhiệm, tính quyết đoán của người lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo có ý thức tập thể cao, tạo được bầu không khí làm việc dân chủ, nhưng nếu không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, thì không thể có những quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra và do đó công việc không thể tiến triển được. Người nói rằng “Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định”[2]. Phong cách lãnh đạo đúng nhất là phải kết hợp thống nhất giữa dân chủ tập thể với tính quyết đoán. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo của người cán bộ. Người lãnh đạo giỏi là người dám chịu trách nhiệm trước tập thể, trước quốc dân đồng bào, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định. Bên cạnh đó, muốn lãnh đạo tốt thì phải gắn bó, sâu sát để nắm chắc, am hiểu tình hình thực tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu có những vấn đề nổi lên, cần chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và giải quyết kịp thời. Muốn kiểm tra, giám sát tốt thì cán bộ phải “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Bác còn nhấn mạnh : “Cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[3]. Trong phong cách lãnh đạo, làm việc, Bác Hồ quan tâm nhất đến việc dùng người, bố trí cán bộ. Chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Dùng người không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém của công tác cán bộ. Trọng dụng nhân tài là công việc thường xuyên, liên tục.“Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[4]. Theo Bác, người cán bộ tốt nhất là vừa có đức, vừa có tài để thực hiện nhiệm vụ : “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[5]. Để hoàn thành những công việc của Đảng, cách mạng, nhân dân giao cho, người cán bộ phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ chuyên môn. Vì thế, Bác Hồ thường nhắc nhở: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[6]

Phong cách Hồ Chí Minh được biểu hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật,… Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung. Người lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ. Phong cách Hồ Chí Minh thực sự là bài học quý để mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, nhằm không ngừng hoàn thiện mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của đất nước./.

Cao Lễ - Hoài Nguyễn

 

[1] Sđd, Tập 5, tr. 620.

[2] Sđd, Tập 5, tr. 620.

[3] Sđd, Tập 5, tr. 636 - 637.

[4] Sđd, Tập 4, tr. 43, 114.

[5] Sđd, Tập 11, tr. 603.

[6] Sđd, Tập 10, tr. 377. 

Bài viết tương tự

Đọc bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Bác Hồ

Đọc bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Bác Hồ

Đọc thêm

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua thơ của Chủ tịch Hồ Chí...

Đọc thêm

DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MÃI MÃI LÀ LỜI DẠY THIÊNG LIÊNG, LÀ MỘT DI SẢN VÔ GIÁ (17/9/2019)

DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MÃI MÃI LÀ LỜI DẠY THIÊNG LIÊNG, LÀ...

Đọc thêm