Trong không khí hào hùng của những ngày mùa Thu lịch sử, kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của Ðảng ta, dân tộc, nhân dân Việt Nam, đi vào cõi vĩnh hằng và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Xin dành tất cả lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Ðảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước, mà còn trong lòng bạn bè quốc tế. Di chúc của Người là Quốc bảo, đồng thời, là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại trong kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài, đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta. Trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ; trọn đời vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta… 50 mùa Thu đã đi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh; truyền cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí và quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng…
Chuẩn bị cho chuyến đi xa để gặp các nhà hiền triết trong cõi vĩnh hằng, một Hồ Chí Minh khi còn anh minh, tỉnh táo đã dành mỗi ngày khoảng từ 1 đến 2 giờ của những ngày đẹp trời tháng 5 năm 1965 để viết “Tài liệu liệu tuyệt đối bí mật” gửi lại cho mai sau. Bản Di chúc năm 1965 do Người tự đánh máy, gồm 3 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, vào ngày 10-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19-5-1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19-5-1969 là kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10-5 gồm 4 trang in khổ 14,5x22cm. Bản Di chúc này chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1969, trong đó có đoạn mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI công bố năm 1989, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người.
Ảnh (tư liệu): Mỗi nội dung chứa đựng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những vấn đề cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau và hướng đích cao đẹp nhất của Di chúc là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới.
Bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và “Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người yêu cầu “Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh.
Những lời dặn thiết tha, đậm chất nhân văn trong Di chúc chứa đựng những giá trị tư tưởng, tinh thần cao quý của cuộc đời Hồ Chí Minh, từ cuộc đời Hồ Chí Minh. Theo Người, dù đã có những đóng góp nhất định, song để thật sự trong sạch, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên phải hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, phải thấm nhuần và nâng cao “đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; và vượt lên hết thảy là phải sống với nhau có tình, có nghĩa, có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Cũng theo Hồ Chí Minh, để rời xa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để làm mực thước cho dân, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng mácxit, nhất là phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tiến hành tự phê bình và phê bình...
Song cũng theo Người, tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở “tình đồng chí” thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho điều thiện sinh sôi, điều ác thui chột, để mỗi người tiến bộ và vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách. Đó không phải không phải đập cho tơi bời, hả giận mà là có lý, có tình, chân thành, thẳng thắn, là văn hoá Đảng, là bản chất tâm hồn và đạo đức dân tộc Việt mà Hồ Chí Minh mong mỏi và gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người. Bởi lẽ vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Người đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc với con người”. Người cũng chỉ rõ, khi đất nước đã trải qua những năm dài chiến tranh, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc đầy nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang, nên Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi. Những đề nghị của Người về miễn thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”, v.v.. thực sự thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn.
Sau những điều tâm huyết về Đảng, người cộng sản đầy kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã nhắc đến việc chăm lo lực lượng kế cận của cách mạng. Người dành những dòng thiết tha cho thế hệ trẻ, khen ngợi đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, v.v..đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng và yêu cầu, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết, bởi không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức và có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như Lênin từng khẳng định.
Di chúc thực sự còn là một mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc, sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và tình nghĩa thủy chung, sâu sắc. Đó là sự hoàn chỉnh Chân - Thiện - Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại trên thế giới. Đó thực sự là phong cách ứng xử tinh tế của con người Hồ Chí Minh. Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sâu sắc phong cách sống, sinh hoạt hết sức bình dị nhưng vô cùng cao quý, trọn đời vì nước, vì dân, không màng danh lợi, ngay cả phút lâm chung từ giã cõi đời này, Người cũng không làm phiền đến dân, đến nước. Người đã ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, không có điều gì ân hận. Người chỉ tiếc là “Không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là sự kết đọng sâu sắc cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một con người suốt đời chỉ biết hy sinh và dâng hiến cho dân tộc, cho nhân dân: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Ngay cả đến giây phút cuối cùng, Người vẫn còn lo cho nhân dân, không để làm phiền đến dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Mỗi điều Hồ Chí Minh trăn trở, dặn lại trong Di chúc đều chứa chan tấm lòng một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, với quê hương đất nước, phản ánh tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con ưu tú của dân tộc Việt; hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn của người dân Việt; hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết, bình dị mà vĩ đại, dân tộc mà thời đại. Đó là di sản bất hủ, đậm đà cốt cách dân tộc Việt và thời đại, “Là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” Hồ Chí Minh gửi lại cho các thế hệ mai sau. Cuộc đời Người, với những gì Người đã đi, đã đến và chiến thắng; với tất cả những gì Người đã làm, đã mẫu mực nêu gương và để lại, có lý và đượm tình thương yêu sẽ sống mãi qua các thời đại.
Trong lịch sử hiện đại và trong số các vị lãnh tụ cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh là một người đặc biệt. Tận tâm, tận lực phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân loại cần lao, khi mất đi, Hồ Chí Minh không phải là một kỷ niệm của quá khứ, Người sống mãi. Người cùng những cống hiến và phẩm cách cao quý của mình gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác - Lênin - ánh sáng tư tưởng của thời đại trở nên diệu kỳ trong ký ức tất cả mọi thời đại.
Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, thời gian không ngừng trôi với biết bao sự biến đổi và phát triển của đất nước, dân tộc và quốc tế, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Càng đọc và nghiên cứu Di chúc của Bác chúng ta càng thấm về tư tưởng của Bác, sự soi sáng cho công cuộc đổi mới hôm nay như là một sự tổng kết chính từ thực tiễn Việt Nam, của chúng ta chứ không phải giáo điều. Bản Di chúc có sự thiêng liêng, vì thế tập hợp được, đoàn kết được dân tộc để tiến lên sự nghiệp vẻ vang hơn, đi tới thắng lợi cuối cùng và tạo nên niềm tin tất thắng. Mỗi khi lật giở lại những trang bản thảo, những bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc thiêng liêng, dường như vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Đó cũng chính là những dòng chữ cuối cùng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, người chiến sĩ quốc tế nặng lòng vì Đảng, vì dân, vì tình đoàn kết giữa các Đảng anh em và các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, công lý.
Một Hồ Chí Minh suốt đời yêu thương nhân dân, vốn giản dị, rất “Sáng mà không chói”, khi ra đi, tiếc nuối lớn nhất của Người là “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Vì vậy, Người mong “Chớ nên tổ chức linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và yêu cầu được hỏa táng. Sau đó ba phần tro cốt của Người để vào 3 hộp sành, như tình yêu thương tha thiết của Người dành cho đồng bào ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam...
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, nhân dân và dân tộc ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Hệ thống di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, văn phẩm, bài nói và viết, mà còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn sôi nổi và hết sức phong phú của Người. Đặc biệt, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử thấm đượm và kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Di chúc thiêng liêng của Bác vẫn mãi là một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của một lãnh tụ rất đời thường mà rất vĩ đại, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Trong suốt 50 năm qua và mãi mãi trong lòng mỗi chúng ta không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ anh hùng của dân tộc, người thầy vĩ đại của nhân dân ta, người lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc, người Bác kính yêu của chúng ta, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Bởi vậy, 50 năm và mãi mãi về sau, tuy Bác xa chúng ta, nhưng Bác lại rất gần chúng ta để đưa đường cho chúng ta đi bằng ngọn đèn tỏa sáng là Di chúc của Người.
Ảnh: Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối tổ chức Cuộc thi “Mỗi chi bộ sưu tầm 1 bộ hình ảnh về Bác Hồ”
Nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); đồng thời, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong học tập và làm theo lời Bác, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa nhằm xây dựng Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh; góp phần quan trọng trong thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Cao Lễ