Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần rất quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ công tác tuyên giáo nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội là phải nắm bắt nhanh, kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động về các vấn đề, hiện tượng, sự kiện có tính thời sự, được nhiều người quan tâm để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ những nét cơ bản nhất của đời sống xã hội; góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, công tác điều hành của chính quyền và các doanh nghiệp.
Ảnh: Hội nghị giao ban dư luận xã hội được duy trì tổ chức thường xuyên
Có thể nói, hoạt động điều tra, nắm bắt, nghiên cứu và giải quyết dư luận xã hội tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố trong thời gian qua đã được triển khai khá chủ động, sáng tạo, có sự đổi mới cả nội dung và hình thức. Lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội đã thường xuyên, tích cực, hoạt động hiệu quả, góp phần giúp Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kịp thời nắm bắt và định hướng giải quyết một số vấn đề phản ánh của người lao động; làm cho các bộ, đảng viên, người quản lý doanh nghiệp và người lao động tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban lãnh đạo các cấp, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong phạm vi của Bài tham luận này, Ban Tuyên giáo xin giới thiệu một số trọng tâm công tác nắm bắt và xử lý thông tin dư luận trong cán bộ, đảng viên và người lao động tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố giai đoạn hiện nay, như sau:
1. Một số yếu tố tác động đến công tác dư luận xã hội trong thời gian qua tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố
Cán bộ, đảng viên, người quản lý doanh nghiệp, đoàn viên và người lao động trong Khối quan tâm nhiều đến các sự kiện quan trọng của đất nước và thành phố, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, việc triển khai hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, thực hiện Kết luận số 21; Nghị quyết số 16, Nghị quyết số 54[1], Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố lần thứ I,... đã tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức, tạo động lực, niềm tin, giúp cán bộ, đảng viên và người lao động trong Khối có điều kiện nhận thức sâu sắc, nắm vững hơn những quan điểm cơ bản, chủ trương, mục tiêu của Đảng; tạo sự thống nhất ý chí, hành động trong Đảng, nâng cao tinh thần cách mạng, phát huy tính sáng tạo trong thực tiễn lao động và đời sống; tổ chức tốt các phong trào thi đua xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Việc quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - chuyên đề 2018; tuyên truyền Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020; tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố năm 2014 - 2018; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018; kết quả các kỳ họp Quốc hội khóa XIV;... … đã có những tác động tích cực đến tình hình tư tưởng, tạo thêm niềm tin cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối; tạo động lực cho các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh; là điều kiện thuận lợi để các tổ chức đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp trong Khối đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian qua.
Cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong Khối đã quan tâm và thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động, nhất là việc đảm bảo các chế độ tiền lương, thưởng Tết; quan tâm đến việc làm, ổn định thu nhập, chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn; chú trọng và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Kết quả về công tác đối ngoại, Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tham gia các hiệp định về thương mại quốc tế,... các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến các nước... đã góp phần nâng cao chất lượng trong tổ chức sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Khối; tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế; đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch, gây chia rẽ quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và các nước.
Những kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội qua các năm của Chính phủ, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và người lao động; dư luận đánh giá rất cao, tin tưởng và kỳ vọng hơn vào quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tương lai.
Việc kiên quyết khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc nảy sinh, không để xảy ra các “điểm nóng”; xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc các sai phạm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cán bộ cấp cao, được dư luận quan tâm và rất đồng tình; cho thấy kỷ luật trong Đảng ngày càng được thể hiện rõ hơn, quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Ban Tuyên giáo, các đoàn thể Khối và các cấp ủy cơ sở đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước[2]; đảm bảo các chế độ chính sách của người lao động; thực hiện tốt các mặt công tác xây dựng Đảng tại doanh nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn trước, trong và sau khi cổ phần hóa.
Tổ cộng tác viên dư luận xã hội thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận; kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, thuyết phục; tích cực, chủ động tham gia phòng, chống và đấu tranh đối với những thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm phá hoại đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và phản bác các quan điểm sai trái, tham mưu thực hiện tốt Đề án 02 của Thành ủy, Kết luận số 94-TB/TW ngày 30 tháng 12 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
2. Những khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến công tác dư luận xã hội tại Đảng bộ Khối trong thời gian qua
Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước lo lắng nhiều đến khả năng sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động, do một số nguyên nhân chính như: (1) chỉ tiêu được cấp trên giao còn cao so với năng lực thực tiễn và điều kiện đặc thù theo từng loại hình hoạt động của doanh nghiệp; (2) các định mức về duy tu, bảo dưỡng trong thực hiện dịch vụ công ích bị cắt giảm quá nhiều; (3) Thành phố chưa kịp thời ban hành đơn giá thống nhất để thực hiện một số sản phẩm trong lĩnh vực xử lý rác, thoát nước, cây xanh,... và đây cũng là yếu tố tác động, ảnh hưởng lớn đến công tác cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước trong Khối. Bên cạnh đó, dư luận tiếp tục quan tâm, lo lắng nhiều đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, nếu không có sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ, đồng bộ, sẽ dễ dẫn đến sự độc quyền về cạnh tranh, gây bất ổn về công tác an sinh xã hội và tác tác động lớn đến công tác đảm bảo an ninh quốc phòng của Thành phố; Thành phố có thể bị động trong việc điều hành, quản lý và xử lý các vấn đề về ô nhiễm rác, nước thải, cây xanh thời gian tới; mặt khác, cán bộ, đảng viên cũng băn khoăn, lo ngại về vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa có thể sẽ bị ảnh hưởng và biến động lớn.
Đa số ý kiến của cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối đồng tình với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, hiện nay, quá trình thực hiện các quy định, thủ tục, hồ sơ về cổ phần hóa, các đơn vị đã và đang gặp một số điểm còn hạn chế, khó khăn[3], làm chậm tiến độ thực hiện cổ phần, mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực và có đơn vị mong muốn được sớm hoàn thành cổ phần.
Việc đấu thầu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích là cần thiết, tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, một số chủ đầu tư khi xây dựng hồ sơ mời thầu, vẫn còn chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đấu thầu, về cạnh tranh, về tính đặc thù của địa bàn thành phố; mội số sản phẩm dịch vụ công ích chưa có đơn giá định mức,... dẫn đến khó khăn, tạo áp lực, hạn chế khả năng tham gia dự thầu của một số doanh nghiệp có tiềm năng lớn và kinh nghiệm lâu năm; vì vậy, dư luận mong muốn nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm soát, giám sát, tạo sự minh bạch, công khai, công bằng, tính thực tiễn hơn trong tổ chức đấu thầu thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm đến yếu tố an ninh, quốc phòng, an toàn khi chọn nhà thầu khai thác, quản lý, sử dụng, duy tu, bão dưỡng các công trình công cộng, dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố.
3. Một số kết quả nổi bật trong công tác nắm bắt dư luận xã hội trong thời gian qua
3.1. Việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh kịp thời tình hình dư luận, định hướng dư luận xã hội
Ban Tuyên giáo luôn duy trì và thực hiện nền nếp công tác giao ban dư luận xã hội định kỳ, xây dựng các báo cáo, tổ chức họp giao ban với các đồng chí thường trực cấp ủy phụ trách công tác tuyên giáo và cộng tác viên dư luận xã hội của cơ sở. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức họp giao ban dư luận xã hội; việc tổ chức giao ban luân phiên tại các đơn vị cơ sở là điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết giữa các đơn vị.
Các cấp ủy cơ sở, các thành viên tổ dư luận xã hội thể hiện tốt ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, tham dự giao ban khá đầy đủ. Qua giao ban, đã phản ánh được nhiều vấn đề mà cán bộ, đảng viên, người lao động của đơn vị quan tâm, lo lắng; giúp Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối kịp thời nắm bắt được nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm của cán bộ, đảng viên, người quản lý doanh nghiệp và người lao động trong Khối; tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tháo gỡ một số khó khăn của cơ sở.
Trong những đợt cao điểm về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, ban Tuyên giáo luôn chủ động triển khai nắm tình hình dư luận nổi cộm, chủ động và kịp thời định hướng, ổn định công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên người lao động, nên không có tình trạng tụ tập, tham gia biểu tình hay ngừng việc tại các doanh nghiệp. Kịp thời phối hợp với Đảng ủy Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn nắm tình hình công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc và Khu Công nghiệp Tân Bình; phối hợp với Đảng ủy Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn nắm tình hình an ninh trật tự, dư luận tại các công viên do đơn vị đang quản lý.
Thực hiện tốt chế độ báo cáo thỉnh thị với Ban Tuyên giáo Thành ủy, trực tiếp là Phòng Tuyên truyền - Nghiên cứu dư luận xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến yếu tố đảm bảo quốc phòng an ninh tại công trình là mục tiêu trọng điểm về quốc phòng - an ninh[4]; tình hình dư luận xã hội bức xúc nổi cộm ở cơ sở[5].
Tổ cộng tác viên dư luận xã hội Đảng ủy Khối, luôn quan tâm, chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động; thường xuyên đi khảo sát, nắm tình hình thực tế ở cơ sở. Kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối báo cáo cho Thường trực Thành ủy, kiến nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; sau khảo sát, thực hiện các báo cáo tình hình dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và người lao động ở các đơn vị trên[6]. Qua báo cáo, kiến nghị, phản ánh tình hình dư luận nổi cộm ở doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, Công ty TNHH MTV 27/7 thành phố, Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn[7]. Từ kết quả của việc kịp thời nắm bắt, phản ánh, kiến nghị tình dư luận xã hội tại cơ sở, đã góp phần tạo được sự đồng tình cao, hiệu ứng tích cực, góp phần ổn định tư tưởng, tạo dư luận phấn khởi, hạn chế “điểm nóng”, giúp cán bộ, đảng viên, người quản lý doanh nghiệp, người lao động ở cơ sở an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh.
- Đặc biệt, qua công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối, Tổ dư luận xã hội Khối đã kịp thời báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối[8], có báo cáo, phản ánh, kiến nghị gửi Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố về một số điểm bất cập, vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh và không đảm bảo thực hiện chủ trương của lãnh đạo Thành phố đối với hồ sơ gói thầu về “Quản lý vận hành bảo trì, bảo dưỡng, chăm sóc cảnh quan nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và trạm bơm Đồng Diều”[9]. Đồng thời, đã kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng hệ thống cống ngầm, công trình ngầm kiên cố, cơ sở trọng yếu về quốc phòng, an ninh của Thành phố[10]. Lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo các ban ngành thành phố xem xét, giải quyết các kiến nghị nêu trên[11].
3.2. Việc triển khai có hiệu quả các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội
Nhằm có cơ sở đánh giá khách quan, chính xác trong việc triển khai học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết của Đảng, Ban Tuyên giáo đã thực hiện 600 phiếu thăm dò ý kiến của cán bộ, đảng viên về kết quả học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại các tổ chức cơ sở đảng và của cán bộ, đảng viên trong Khối[12]. Thực hiện 1.045 (chiếm 88% tổng số đảng viên của đảng bộ Khối) phiếu thăm dò ý kiến của cán bộ, đảng viên về kết quả học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại 13/13 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối[13]; đồng thời, thực hiện tốt các cuộc thăm dò dư luận, điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Thành ủy triển khai.
3.3. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo và cộng tác viên dư luận xã hội
Tổ chức tốt lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội; lớp tập huấn chuyên đề công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên, về: “Kỹ năng tuyên truyền miệng”; “Những nội dung cơ bản của công tác tuyên giáo ở cơ sở”, cho các đồng chí phụ trách công tác tuyên giáo của cấp ủy cơ sở, báo cáo viên và các đồng chí phụ trách công tác tuyên giáo của Ban Chấp hành Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở cơ sở.
Thực hiện tốt việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội; tổ chức tốt hoạt động của Tổ dư luận xã hội Đảng ủy Khối; Tổ báo cáo viên Đảng ủy Khối. Hiện nay, cấp Khối có 15 đồng chí; ở cơ sở có 68 đồng chí cộng tác viên dư luận xã hội. Các cấp ủy cơ sở đều phân công đồng chí thường trực cấp ủy phụ trách công tác tuyên giáo, nên công tác tuyên giáo ở các đơn vị cơ sở được triển khai thực hiện khá thuận lợi.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo đã phối hợp Ban Thường vụ Công đoàn Các doanh nghiệp công ích và dịch vụ thương mại thành phố, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối, xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt (tập trung là các đồng chí ủy viên ban chấp hành) tham gia vào Tổ Tuyên giáo, cộng tác viên dư luận xã hội và cũng là đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, nên đã phát huy tốt vai trò của tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; thường xuyên tập huấn kỹ năng tuyên truyền chính sách pháp luật…
4. Một số hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác dư luận xã hội vẫn còn một số hạn chế như sau:
Một số cấp ủy còn chưa thực sự quan tâm đến công tác dư luận xã hội, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Công tác phối hợp giữa Tổ dư luận xã hội và các đoàn thể cấp Khối, cấp ủy cơ sở trong xử lý, định hướng dư luận xã hội ở một số thời điểm còn lúng túng, chậm trễ.
Công tác khảo sát, nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội vẫn còn hạn chế; chưa kịp đổi mới, chưa có phương pháp mới, hiện đại, thiếu trọng tâm; năng lực phát hiện, dự báo, tham mưu, giải pháp định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mới, nóng, nảy sinh trong thực tiễn và đối với môt số chủ trương, chính sách của Nhà nước còn hạn chế…
Việc thực hiện phản ánh, báo cáo những tin "nóng" bức xúc, nổi cộm, những phát sinh trong đoàn viên các đoàn thể còn hạn chế. Có một số vấn đề "nóng" phản ánh chưa kịp thời. Thông tin dư luận xã hội còn hạn chế về tính đa dạng, toàn diện. Chất lượng thông tin phản ánh nhiều khi dựa trên thông tin mà các phương tiện đại chúng đã nêu; thông tin phản ánh có lúc còn lồng những suy nghĩ chủ quan cá nhân, khiến giá trị sử dụng của thông tin thấp. Chất lượng hoạt động của các cộng tác viên dư luận xã hội ở một số cơ sở, đoàn thể còn hạn chế, công tác báo cáo định kỳ còn chậm, chất lượng chưa cao.
Còn có cấp ủy chưa thực sự quan tâm tới chỉ đạo sử dụng, xử lý thông tin dư luận xã hội được phản ánh và phản hồi trở lại đối với cơ quan, cá nhân cung cấp thông tin.
5. Một số bài học kinh nghiệm
Sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối trong định hướng hoạt động của Tổ công tác viên dư luận xã hội, đã góp phần tích cực cho hoạt động của Tổ cộng tác viên dư xã hội cấp Khối đạt hiệu quả cao.
Công tác dư luận xã hội phải gắn liền với công tác tư tưởng; là nhiệm vụ thường xuyên của chi bộ, đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn thể chính trị các cấp về vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết phải nắm bắt dư luận xã hội; cấp ủy các cấp chỉ đạo, chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời đúng đắn các vấn đề bức xúc nảy sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; xem công tác dư luận xã hội là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý tốt những phản ánh, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cán bộ, đảng viên, người lao động.
Chú trọng công tác đối thoại trực tiếp với người lao động nhằm sớm giải quyết những vấn đề tư tưởng, hoặc vấn đề bức xúc, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở, không để tâm trạng lo lắng, bức xúc kéo dài dẫn đến trở thành điểm nóng rất khó giải quyết.
Công tác giao ban định kỳ được tổ chức tốt, chất lượng; lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội cấp Khối được kiện toàn, đảm bảo số lượng, nhiệt tình, tích cực, trách nhiệm trong công tác; kịp thời thông tin, báo cáo, phản ánh, kiến nghị những sự việc dư luận nổi cộm ở cơ sở, từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của các cấp ủy cơ sở.
6. Một số giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trong thời gian tới
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội từ cấp Khối đến cơ sở; coi đây là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy, đoàn thể và doanh nghiệp trong Khối. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội, hoạt động của cộng tác viên ở cấp Khối và cơ sở trước tình hình mới; kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đồng thời tập trung nắm bắt tình hình, phản ánh, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, dư luận nổi cộm ở cơ sở.
Cần quán triệt thống nhất nhận thức của các cấp ủy Đảng nhất là ở cơ sở về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Cấp ủy, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dư luận xã hội, chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng của từng đối tượng để có biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp, đơn vị. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó công tác dư luận xã hội, công tác tư tưởng đạt hiệu quả cao và ngược lại.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ cộng tác viên dư luận xã hội cơ sở: Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác dư luận xã hội; là đầu mối giúp cấp uỷ nắm bắt, cung cấp thông tin giải đáp, định hướng dư luận xã hội; nắm chắc diễn biến tư tưởng, các thông tin dư luận xã hội kịp thời báo cáo lãnh đạo để xử lý, đặc biệt quan tâm đến những điểm nóng, những bức xúc, nổi cộm mới phát sinh ở cơ sở.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội cấp Khối: Công tác dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp... Coi trọng công tác đối thoại trực tiếp và giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động. Chủ động dự báo trước những xu hướng, diễn biến tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người lao động. Nắm bắt dư luận xã hội phải thường xuyên, nề nếp thông qua hội nghị giao ban định kỳ, qua điều tra, khảo sát, từ các phương tiện thông tin đại chúng... nâng cao chất lượng giao ban, sơ kết định kỳ, đồng thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội.
Tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và người lao động, thông qua việc tổ chức các hội nghị báo cáo viên, hội nghị công tác tuyên giáo và thông qua các bản tin định kỳ phục vụ sinh hoạt chi bộ và phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý để thông tin tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế đang được dư luận quan tâm nhằm giúp các doanh nghiệp, đơn vị và đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động trong tham mưu định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tăng cường tổ chức bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ cơ bản và kỹ năng trong công tác nắm bắt và định hướng tư tưởng dư luận xã hội. Thường xuyên hoặc đột xuất cung cấp thông tin theo chuyên đề… nhằm giúp đội ngũ cộng tác viên kịp thời cập nhật thông tin, làm cơ sở cho quá trình hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh về khả năng, chất lượng công tác dự báo của đội ngũ làm công tác dư luận xã hội. Tham gia các cuộc điều tra xã hội học theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Khi cần thiết tham mưu tiến hành điều tra thăm dò dư luận xã hội về một số vấn đề trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở doanh nghiệp trong Khối.
Tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác dư luận xã hội: Tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của công tác dư luận xã hội; kinh phí chi cho công tác dư luận xã hội, trang bị phương tiện cần thiết để tiến hành các cuộc điều tra xã hội học; kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội...
Cần có quy chế phối hợp giữa đơn vị phản ánh thông tin và cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các thông tin, kiến nghị nổi cộm từ báo cáo dư luận xã hội.
*
* *
Những kết quả đạt được trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ công tác Tuyên giáo nói riêng và trong công tác xây dựng Đảng nói chung. Qua đó góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp lần thứ II, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
BAN TUYÊN GIÁO
ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP THÀNH PHỐ
[1] Kết luận số 21-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020[1]; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Thông báo số 279/TB-TU ngày 11 tháng 10 năm 2016 Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố giai đoạn 2016 - 2018 và Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 27 tháng 2 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy định phân công thực hiện Quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Các văn bản vi phạm pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
[3] Cụ thể: Chậm được giao tài sản là công trình kiến trúc để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; một số quy định về hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện còn chưa cụ thể, chi tiết (chi phí thực hiện cổ phần hóa, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán Nhà nước với doanh nghiệp cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp; về bán cổ phần lần đầu, quản lý tiền thu từ cổ phần hóa, chính sách ưu đãi cho người lao động, kinh phí hỗ trợ người lao động dôi dư; việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; việc thực hiện báo cáo tài chính, quyết toán chuyển chi phí cổ phần hóa).
[4] Công văn số 326-CV/ĐUK ngày 24 tháng 4 năm 2018.
[5] Báo cáo số 55-BC/BTGĐUK ngày 13 tháng 7 năm 2018.
[6] Công văn 177-CV/ĐUK, công văn 178-CV/ĐUK và công văn 179-CV/ĐUK ngày 09 tháng 01 năm 2017.
[7] Công văn số 4319-CV/VPTU ngày 01 tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Thành ủy. Công văn số 3448/UBND-KT ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố. Công văn số 4356/UBND-KT ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố. Công văn số 6750/STNMT-VP ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.
[8] Báo cáo số 36-BC/BTGĐUK ngày 27 tháng 4 năm 2017.
[9] Công văn 179-CV/ĐUK ngày 09 tháng 01 năm 2017.
[10] Công văn 205-CV/ĐUK ngày 03 tháng 5 năm 2017.
[11] Thông báo số 462/TB-VP ngày 07 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.
[12] Việc tổ chức khảo sát về kết quả học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020, cho thấy đã có sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức học tập, quán triệt nghị quyết Đảng của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… được lấy ý kiến khá cởi mở và thẳng thắn; cán bộ, đảng viên, người lao động ở các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối hầu hết đều nắm được các nội dung cơ bản của Nghị quyết và đồng tình cao với các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu mà Đại hội đã đề ra.
[13] Việc tổ chức khảo sát nhằm đánh giá một cách khách quan về kết quả học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; công tác tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của các cấp ủy cơ sở và tinh thần, thái độ học tập Nghị quyết của đảng viên trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố. Kết quả của khảo sát là giá trị quan trọng trong đánh giá nhận thức; tổng hợp ý kiến khách quan của đông đảo đảng viên về đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả cho việc nghiên cứu, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, đơn vị và tại Đảng bộ Khối trong thời gian tới; đồng thời, thông qua kết quả khảo sát, sẽ làm cơ sở, giải pháp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.