Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 – 2024)
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 –
12 NGÀY RUNG CHUYỂN TRỜI ĐẤT
Trong vòng 15 năm, từ lúc được thành lập (3-2-1930), Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành 3 cao trào cách mạng : Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945). Đây là 3 cuộc tổng diễn tập lớn của Đảng ta với nhiều thử thách, hy sinh để đến đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ thuận lợi, lãnh đạo toàn thể dân tộc tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc, phong kiến thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Giữa tháng 8 năm 1945, từ mảnh đất Tân Trào lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi : “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”[1]. Tổng bộ Việt Minh cũng đã hiệu triệu trong bối cảnh : “Phát xít Nhật đã gục đầu hàng phục Anh, Mỹ, Nga, Tàu. Quân Đồng minh sắp tràn vào Đông Dương. Giờ tổng khởi nghĩa đã đến ! Dân tộc ta đã đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình!”. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc nổi dậy chớp nhoáng và thành công ngoạn mục. Nếu kể từ khi lệnh tổng khởi nghĩa phát ra ngày 13-8 cho đến khi khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn ngày 25-8, thì thời gian đó chỉ 12 ngày. Khí thế cách mạng Tháng Tám lan truyền như một dòng điện cao thế trào dâng từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược như dòng thác “tức nước vỡ bờ”!
Trong Cách mạng Tháng Tám có một hình tượng biểu trưng cho hồn núi sông non nước, cho sự đoàn kết toàn dân đó là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh với sắc màu ánh sáng cách mạng. Lá cờ khổng lồ đó xuất hiện tung bay trong cuộc biểu tình rầm rộ đông đảo quần chúng ở Nhà hát lớn ngày 19-8. Biểu tượng thiêng liêng đó đã khẳng định chủ quyền của đất nước, độc lập tự do trong cảm xúc tự hào: “Gió gió ơi ! Hãy làm giông làm tố - Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi - Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi !” (Thơ Tố Hữu). Trong lòng mỗi người Việt Nam hôm nay còn nghe âm vang bản anh hùng ca Cách mạng tháng Tám qua những thước phim tài liệu, những ca khúc, hành khúc, những bài thơ với niềm cảm hứng bất tận : “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày - Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai - Mười Chín Tháng Tám khi quân dân căm hờn kêu thét - Tiến lên cùng hô: Mau dẹp tan hết quân thù chung” (Lời bài hát “Mười Chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh). Đặc biệt bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao (sau này được chọn làm Quốc ca) được hát vang trong cuộc biểu tình ở Nhà hát lớn Hà Nội : “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa”. Có lẽ từ đây hai tiếng Việt Nam thân yêu đã trở thành máu thịt, với bao trìu mến thiết tha, tự hào chan chứa trong lòng mỗi người Việt Nam.
Tranh cổ động Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945
Cách mạng Tháng Tám còn là bản hùng ca bất diệt, một mốc son chói lọi của cách mạng nước ta. Đó là một bước ngoặt chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp (1858 – 1945), mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đây, Nhân dân Việt Nam đã làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa của thắng lợi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng : Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc trong thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[2].
Tháng Tám - Mùa thu cách mạng - Mùa thu đẹp nhất của đất nước ta từ khi có Đảng, có Bác Hồ. Cái đẹp ấy bây giờ đã trở thành hồn thiêng sông núi, nhất là khi thơ ca nhạc họa trữ tình trỗi lên, ngọt ngào và sâu lắng. Sắc màu quyến rũ của mùa thu thiên nhiên hòa với những ngân vang, những xao xuyến những bồi hồi trong tâm hồn con người khi nhớ về những ngày tháng lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, không thể nào quên ! Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, trong lịch sử của dân tộc, đó là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Và mùa thu nay thật sự đã trở thành mùa thu cách mạng. Mùa thu của ước mơ, hy vọng, hạnh phúc của cả dân tộc hướng về một tương lai ngời sáng, rạng rỡ
“Và từ đó mùa thu về khắp nẻo/ Hết còn nghe lạnh lẽo tiếng thu buồn/ Con nai vàng nghễnh tai theo tiếng tiếng nhạc/ Rừng vạn loài say đắm đón thu sang”./.
Hoài Nguyễn
Chú thích ảnh : Tranh cổ động Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945.