Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng,
nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân
Doanh nhân là người sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách chủ động, tạo ra xu hướng phát triển nhu cầu thị trường, xác định nhu cầu thị trường tiềm ẩn, dự báo xu hướng thị trường tương lai và lựa chọn cách thức kinh doanh phù hợp, hiệu quả nhất. Nếu doanh nhân dự báo đúng, thì người tiêu dùng sẽ có loại hàng hóa đúng theo nhu cầu của mình; còn nếu doanh nhân dự báo sai, thì nhu cầu tiềm ẩn sẽ không được đáp ứng. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nhân đóng vai trò tích cực trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực ở cả hai phạm vi: doanh nghiệp và nền kinh tế; dự báo xu hướng phát triển nhu cầu tương lai, có vai trò xác định các nguồn lực khan hiếm cần được sử dụng phối hợp như thế nào để sản xuất hàng hóa nào nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường tương lai; luôn tìm kiếm cơ hội kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh doanh; sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hợp lý nhất và góp phần tái phân bổ các nguồn lực xã hội cho những phương thức sử dụng hiệu quả hơn và là cơ sở của tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex (Cholimex FOODS) – Đơn vị có nhiều doanh nhân tiêu biểu, năng động, sáng tạo
Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải, đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam,hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”[1]. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu: Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân; biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức thích hợp, đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào quá trình sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020, có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Trong những năm vừa qua, cùng với sự đổi mới và phát triển về mọi mặt của đất nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, thể hiện được vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao phúc lợi xã hội. Chúng ta tự hào vì với tài trí của đội ngũ doanh nhân Việt, những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã đến và sẽ lan tỏa hơn với bạn bè quốc tế, nâng cao tên tuổi và uy tín của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Chúng ta lại càng trân trọng và tự hào hơn về những đóng góp to lớn của giới doanh nhân Việt Nam trong các hoạt động xã hội, chung tay xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hoài Nguyễn
[1] Ngày 13-10-1945, Bác Hồ gửi thư “Cùng các ngài trong giới công thương”. Trong thư, Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.