CPTPP: CƠ HỘI – THÁCH THỨC – CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP (13/12/2018)

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, chiều 12.11.2018, với 100% (469/469) đại biểu có mặt, đã bấm nút, nhất trí cao thông qua Nghị quyết về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương[1] (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan[2].

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết ở Chile vào ngày 08.3.2018. Hiệp định có sự tham gia của 11 nền kinh tế, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealad, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và gần 500 triệu dân. Hiệp định CPTPP với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường và điều kiện kinh doanh toàn cầu nói chung và các quốc gia trong khối nói riêng. Điều này vừa tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, gồm bốn Điều, trong đó quy định rõ việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Cụ thể, về tổ chức thực hiện, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Về trách nhiệm giám sát, Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

 

Cơ hội

CPTTP, có thể coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây; là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam tham gia CPTPP về tổng thể sẽ mang lại cơ hội lớn về kinh tế. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, khi tham gia CPTPP, sẽ giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, các lợi ích sẽ mang lại tính bền vững, lâu dài hơn.

Tham gia vào CPTTP, sẽ có nhiều đối tượng, lĩnh vực tìm kiếm được cơ hội để phát triển, nhưng có thể thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng trọng tâm nhất để tranh thủ thời cơ phát triển, vì:

Thứ nhất, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% toàn cầu và gần 500 triệu dân; đây là cơ hội trọng yếu để doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế.

Thứ hai, trong Hiệp định CPTPP, các nước thành viên đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước. Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng của các nước thành viên.., góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, nhất là với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm, dệt may hay da giày. Hơn nữa, với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong khối thì các thương hiệu Việt Nam cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa.

Thứ ba, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, với quy mô xuất nhập khẩu cao. Việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn như Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Niu-gi-lân… cùng với lộ trình giảm thuế xuất khẩu nhanh và mạnh xuống còn 0% - 5% sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả cho sản phẩm. Bên cạnh đó, CPTPP còn tạo sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh về công nghệ, chất lượng, mẫu mã, tiếp thị. Bởi lẽ hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu, nên để được hưởng mức thuế ưu đãi, chất lượng của sản phẩm phải tăng lên. Với việc giảm thuế sang các quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên. Việc giảm thuế nhập cho sản phẩm khi về Việt Nam cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm đối tác mới, chủng loại hàng hóa mới để mở rộng quy mô hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, cũng là cơ sở, nền tảng để cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế, để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ tư, CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thông qua CPTPP sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, từ đó các doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn FDI với giá trị lớn hơn và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài.

Thứ năm, CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thông qua việc tăng năng suất lao động, thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững

Thách thức đối với doanh nghiệp

Bên cạnh những cơ hội mở ra khi tham gia CPTPP, thì những vấn đề băn khoăn về sự tác động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp là vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu sâu, có kịch bản tốt, để chủ động ứng phó, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hội nhập một cách hiệu quả, vấn đề đặt ra là.

Thứ nhất, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao.

Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp định còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Điều đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Hơn nữa, tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đủ mạnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ, thì sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này.

Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém, nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.

Ví dụ, với ngành chăn nuôi, thực phẩm, nhiều quốc gia đối tác trong CPTPP có nền chăn nuôi phát triển, quy mô lớn, chất lượng sản phẩm cao, giá thành rẻ, cùng với việc được giảm thuế, cũng sẽ gây nên không ít lo ngại cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam. Trong khi đó, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là kiểu nông hộ, giá thành cao, mức độ an toàn thực phẩm thấp. Vì vậy, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi CPTPP có hiệu lực bởi thuế nhập thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ giảm xuống 0%. Do đó, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa càng trở nên gay gắt.

Thứ ba, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, do đó, các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam, khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP… Đây cũng là thách thức lớn về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra sự khác biệt hóa về sản phẩm.

Thứ tư, các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại là động lực và áp lực đẩy nhanh tiến trình cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

Chủ động hội nhập

Có thể thấy, doanh nghiệp là chủ thể thực hiện các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP, do vậy, để tận dụng những cơ hội, cũng như hạn chế những thách thức mà CPTPP mang lại thì các doanh nghiệp Việt Nam cần:

- Chủ động nghiên cứu, nắm chắc về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.


- Đổi mới tư duy kinh doanh, đặt chính mình vào sức ép của cạnh tranh, để tạo động lực, xây dựng chiến lược phát triển bền vững; làm bệ phóng cho sự đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng nhanh khoa học và công nghệ, nâng trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước trong mở rộng thị trường, đảm bảo tính pháp lý, có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia CPTPP.

- Tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp.

Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định CPTPP là quyết định chính trị quan trọng, thể hiện quyết tâm, bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của Việt Nam, chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng quan trọng hơn, chính là xây dựng cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện thành công khi cơ hội mở ra. Chúng ta không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc, mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ, mà còn phải biết chủ động vận dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang, thì những cơ hội từ Hiệp định CPTPP sẽ càng trở nên quý giá[3].

 

 

Tin, ảnh: Nguyễn Cao Lễ

 

[2] Gồm: Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực).

Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Bru-nây và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Ma-lai-xi-a. Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức. Hiệp định CPTPP sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia.

[3] Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp định Đối Tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

2. CPTPP - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt, Thông tấn xã Việt Nam - tháng 4, 2018.

3. Vũ Duy, Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản - tháng 3, 2018.

4. Website Bộ Công Thương: http://www.moit.gov.vn/

Bài viết tương tự

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng (1/11/2017)

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng,...

Đọc thêm

SẢN PHẤM MỚI - CHÀO XUÂN 2018 - QUÀ TẾT CỦA MỌI NHÀ (15/1/2018)

SẢN PHẤM MỚI - CHÀO XUÂN 2018 - QUÀ TẾT CỦA MỌI NHÀ (15/1/2018)

Đọc thêm