Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
THÁNG BẢY “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”
"Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý, truyền thống của Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc giáo dục đạo lý, nhân cách làm người. “Uống nước nhớ nguồn” là nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ; nhớ ơn những bậc tiền nhân đã khai phá, dựng xây, mở rộng bờ cõi nước non; nhớ ơn anh hùng, liệt nữ có công dựng nước, giữ nước …Trong thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, “Uống nước nhớ nguồn” có thêm Ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sĩ 27/7, là dịp các cấp, các ngành, các địa phương và người dân Việt Nam tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã góp công, góp của cho sự nghiệp độc lập - tự do, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói : “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”; “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào”. Đối với liệt sĩ “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”[1].
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 77 năm qua (1947 – 2024), Đảng, Nhà nước, các tổ chức và toàn xã hội ta thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhằm ghi nhận và đền đáp công lao của những người đã hy sinh cho với dân tộc. Chính sách này bao gồm hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã có đóng góp cho đất nước. Những biện pháp thiết thực này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống vật chất của các đối tượng, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc từ đất nước và Nhân dân.
Trên địa bàn TP.HCM, phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” rất phong phú, đa dạng. Ngoài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đã có sự xã hội hóa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố xác định việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ và là hoạt động được thực hiện thường niên. Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng … Hoạt động chăm lo rất cụ thể, thiết thực : tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ hỗ trợ gia đình chính sách về nhà ở, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, giới thiệu học nghề, việc làm cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; hỗ trợ phát triển kinh tế cho gia đình chính sách là hộ nghèo, cận nghèo…; phối hợp tổ chức thống kê, rà soát đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công…Đảm bảo 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Nổi bậc nhất là phong trào Xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương”, “Nhà nghĩa tình đồng đội” … Các công trình tu sửa, nâng cấp các đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh nặng, con thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng tại các cơ sở chăm sóc người có công và gia đình chính sách ... Phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" trở thành rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương, là nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, mỗi người chúng ta luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[2]. Việc tưởng nhớ, trân trọng và tri ân anh hùng, liệt sĩ, người có công với nước với dân trong giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng. Đó là việc làm ý nghĩa, thiết thực trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Hoài Nguyễn
Chú thích ảnh : Triển lãm “Uống nước nhớ nguồn” ở thành phố Hồ Chí Minh.