NỬA THẾ KỶ
ĐỘC LẬP, TỰ DO, THỐNG NHẤT VÀ KHÁT VỌNG
Năm 2025, cả nước ta kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trang sử chói lọi ấy đã và đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta biến thành khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Trải qua 50 năm, Đảng ta lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiếp tục được thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị; lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trợ giúp kịp thời người dân trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới, quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là độc lập và sự phát triển bền vững của đất nước mà còn phải gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế. Và khát vọng đó đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng xác định cụ thể : Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những động lực tiên quyết được Đại hội xác định là : khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực ...
Khát vọng Việt Nam
Để hiện thực hóa khát vọng này, Đảng ta đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng thời kỳ, giai đoạn nối tiếp nhau : đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển với công nghiệp hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao; hướng tới năm 2035, thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống dựa trên ba trụ cột: cân bằng sự thịnh vượng kinh tế với sự bền vững môi trường, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, củng cố năng lực và trách nhiệm của Nhà nước. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, không chỉ về vật chất mà còn về văn hóa và tinh thần đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, phát huy sức mạnh nội lực dân tộc và thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Khát vọng phát triển cũng phải dựa vào sự cộng hưởng từ những ước muốn vươn lên của cộng đồng và cá nhân. Bên cạnh đó, nền tảng cho một quốc gia thịnh vượng chính là sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân. Tích cực xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng xã hội công bằng, văn minh.
Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) có ghi: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện”…
Trong quá trình tiến đến thịnh vượng của mỗi quốc gia không thể thiếu động lực là khát vọng phát triển. Đối với một cá nhân, một cộng đồng hay một quốc gia dân tộc, quá trình phát triển đều không thể thiếu yếu tố gọi là khát vọng. Khát vọng có thể hiểu một cách đơn giản đó là những nhu cầu, mong đợi, lợi ích của cá nhân hay một tập thể, cộng đồng nào đó và những điều tốt đẹp, tích cực mà họ muốn đạt được. Khát vọng về bản chất nó là sự phản ánh các giá trị mà mọi thành viên trong một cộng đồng đều hướng đến, đều khát khao đều mong muốn đạt được. Khát vọng truyền cảm hứng, kích thích và kết nối con người để tạo ra sức mạnh tập thể hiện thực hóa khát vọng.
Khát vọng tuổi trẻ
Nửa thế kỷ độc lập, tự do, thống nhất và khát vọng Việt Nam đang là động lực, nguồn lực, tư tưởng truyền cảm hứng, thúc đẩy toàn xã hội nhìn về một hướng, kết nối sức mạnh của tập thể, mỗi cá nhân … chung sức biến khát vọng thành hiện thực – Như văn kiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu - Khơi dậy khát vọng Việt Nam - Đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Hoài Nguyễn
Chú thích ảnh :
- Khát vọng Việt Nam
- Khát vọng tuổi trẻ