Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 (1945 – 2024)
LINH THIÊNG LÁ CỜ TỔ QUỐC
Vào dịp lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 vừa qua, đi đâu tôi cũng thấy người dân treo lá cờ Tổ quốc. Từng khu phố, khu dân cư, các tuyến đường phố … rợp đỏ màu cờ, thật đẹp, thật trang trọng, linh thiêng. Trong lòng tôi nao nao cảm xúc. Việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ quan trọng (Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Quốc khánh, …) là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương ngày càng đẹp giàu, hạnh phúc.
Nhớ lại, trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp (tháng 11/1940), lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên, tung bay ở nhiều địa phương, và sau đó trờ thành lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Người có công vẽ ra lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (1901 – 1941 - Xứ ủy Nam kỳ). Tháng 5/1941 Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đó là văn bản đầu tiên nói về Quốc kỳ nước ta. Ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc : Nền cờ màu đỏ tươi là tượng trưng cho sự hy sinh xương máu của nhân dân ta mới giành được nền độc lập của dân tộc. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho linh hồn dân tộc, năm cánh sao vàng tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh lần đầu tiên được in trên trang nhật báo Tiến Lên, cùng với một bài thơ do chính tác giã Nguyễn Hữu Tiến sáng tác, kêu gọi Nhân dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc :“Việt Nam ta con Hồng cháu Lạc/ Dòng máu đỏ, giống da vàng, trải bốn ngàn năm oanh liệt/ Thế mà chịu tám mươi năm rên xiết/ Dưới giày đinh đế quốc sài lang/ Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi da của giống nòi/ Đứng lên mau ! Hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh/ Đoàn kết lại sức mình sẽ mạnh/ Quyết đánh tan phát xít Nhật – Tây/ Hỡi hai lăm triệu con yêu nước Việt Nam này/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh...”.
Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí và xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi vào Hiến pháp: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, Quốc hội Khóa VI đã lấy cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm quốc kỳ của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày nay, việc treo cờ Tổ quốc dịp lễ, tết, chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước đã trở thành nét đẹp văn hóa, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình người Việt Nam. Treo cờ Tổ quốc còn có một ý nghĩa hết sức linh thiêng, một biểu tượng của hồn nước, nhớ ơn sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”…
Mỗi lần tham dự buổi chào cờ Tổ quốc, trong lòng tôi lại âm vang niềm tự hào khó tả, khi nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay và lời hát Quốc ca vọng lên hùng tráng
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Thật cảm xúc vô bờ !
Hoài Nguyễn
Chú thích ảnh :
- Treo cờ Tổ quốc tại quán cà phê hẻm 71 đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh
- Treo cờ Tổ quốc tại hẻm 543 đường XVNT phường 26, quận Bình Thạnh
- Treo cờ Tổ quốc tại hẻm khu phố 2, phường 15, quận Bình Thạnh