Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)

BÀI HỌC VỀ SỨC DÂN

 TRONG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

    Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13 tháng 3 năm 1954 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954. Đây là đỉnh cao nhất của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 - 1954 và là chiến thắng to lớn nhất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

    Mùa đông năm 1953, khi bộ đội chủ lực ta tiến quân lên Tây Bắc, thực dân Pháp lập tức cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, thành lập tại đây một căn cứ không - lục quân mạnh chưa từng có ở Đông Dương gọi là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dùng tập đoàn cứ điểm này vừa làm một “con nhím” xù lông ra cản bước tiến quân của bộ đội ta, vừa làm một “cái nhọt hút độc” kéo chủ lực ta đến mà tiêu diệt. Chúng đã đưa đến đây 16.200 quân, bố trí trong 49 cứ điểm kiên cố. Chúng gọi đây là “pháo hạm trên rừng”, là “máy nghiền Việt Minh”, là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ ở Đông Nam Á”... Với quân đông, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố và có cầu hàng không bảo đảm, chính phủ Pháp chủ trương quyết chiến với ta tại Điện Biên Phủ.

   Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch: tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân ta ở vùng tự do, ở vùng Tây Bắc vừa giải phóng, ở vùng sau lưng địch tại đồng bằng Bắc Bộ đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Các mặt trận sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ đồng loạt tiến công, cùng với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực trên các mặt trận khác, cô lập hơn nữa quân địch ở Điện Biên Phủ, tạo điều kiện hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Tháng 3 năm 1954 công tác chuẩn bị hoàn thành.

   Chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành thành ba đợt tiến công : Đợt thứ nhất, bộ đội ta đánh chiếm các cứ điểm, khống chế cửa ngõ tập đoàn cứ điểm ở phía bắc, tiêu diệt gọn các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và chiếm cứ điểm Bản Kéo. Đợt thứ hai, đồng loạt đánh các cứ điểm địch trên các ngọn đồi phía đông, phát triển trận địa tiến công với hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào và hàng vạn vị trí bắn tỉa, thắt chặt vòng vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm thành từng khúc, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp tế của địch. Đợt thứ ba, bắt đầu đêm 1 tháng 5 năm 1954. Ta đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía tây, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Đến 17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, một mũi của trung đoàn 209, đại đoàn 312, nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cát-tơ-ri và toàn thể bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Gần một vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm hố xin hàng. 

   Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục và oanh liệt của quân đội ta. Ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bay cao trên Điện Biên Phủ. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành toàn thắng. Chiến thắng của quân và dân ta trong Đông - Xuân 1953 -1954 đã dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, quân đội Pháp phải rút hết khỏi miền Bắc, quân đội ta ở miền Nam tập kết chuyển quân ra Bắc. Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp đến đây kết thúc thắng lợi. 

Bức tranh toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. 

   Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những chiến công oanh liệt nhất của Quận đội và Nhân dân Việt Nam, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Không nói về sức chiến đấu của các binh đoàn với tài trí vô song và dũng khí ngút trời. Chỉ xin nói về sự đóng góp hậu cần và hoạt động phục vụ chiến trường của hậu phương.

   Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chúng ta đã huy động 261.453 dân công phục vụ hoả tuyến, lo hậu cần, tải đạn, tải thương với trên 3 triệu ngày công, 20.991 chiếc xe đạp thồ (có xe chở đến 3 tạ - kỷ lục), 11.800 bè, mảng, 500 ngựa thồ. Vận chuyển lên chiến dịch 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn thực phẩm khác, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y. Tổng khối lượng hậu cần cung cấp cho Điện Biên Phủ lên tới 30.759 tấn với khối lượng vận chuyển 4.450.000 tấn/km. Điều đáng nói là, khối lượng vật chất khổng lồ ấy được vận chuyển bằng chân đồng vai sắt của dân công, không phải là trên đường bằng mà là phải leo dốc vượt đèo, phải vượt qua bom đạn giặc. đã 70 năm rồi,  những dòng thơ nói về binh đoàn xe đạp vận tải, để lại cho chúng ta những liên tưởng khó phai mờ : “Khuỳnh khuỳnh một chiếc tay ngai/ Đèo cao quyết vượt, suối dài quyết qua/ Mưa bom, bão đạn xông pha/ Lương thực, đạn dược đoàn ta cứ thồ”. Các phóng viên của Pháp có mặt ở Điện Biên phủ phải thừa nhận sự kỳ diệu ấy. Yvon-Paghinet trong bài "Mắt thấy ở Việt Nam" đã viết : "Than ôi, máy bay ta đã phải thua đôi bồ dân công của Việt Minh". Còn G. Roa trong bài "Trận Điện Biên Phủ" cũng viết : "Cũng chẳng phải là sự viện trợ của Trung Quốc khiến tướng Na-va bị thua trận, mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ những kiện hàng nặng 200-300kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên mảnh ni-lông trải trên mặt đất."

    Dựa vào sức dân, dựa vào lực lượng to lớn và vô tận của dân, dựa vào trí thông minh, tài sáng tạo của dân để giải quyết vấn đề hậu cần - điều mà các tướng tá của Pháp đều khẳng định rằng Việt Minh không thể thực hiện được. Hơn thế nữa, phía Pháp cho đó là cái gót Asin của kháng chiến. Không có hậu cần không thể tập trung quân đánh lớn, chiến đấu dài ngày và Việt Minh thua là cái chắc. Nhưng họ đã lầm. Họ thua vì không hiểu sự thần kỳ của Điện Biên Phủ thể hiện trên đôi vai và đôi chân trần của người dân Việt Nam yêu nước !

    Bài học về sức dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm qua vẫn còn nóng hổi tính thời sự hôm nay./.    

                                                                                                             Hoài Nguyễn

Chú thích ảnh: Bức tranh toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Bài viết tương tự

Lật tẩy những chiêu trò xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng

Không gian mạng là môi trường đặc biệt mà con người có thể trao đổi...

Đọc thêm

Lãnh đạo TPHCM thăm, chúc tết các đơn vị trực đêm Giao thừa

Tối 28-1 (tức 29 tháng Chạp), đoàn lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND...

Đọc thêm

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc tết Bộ đội Biên phòng TPHCM đêm Giao thừa

Tối 28/1 (tức 29 Tết), Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND, Ủy...

Đọc thêm