Sau 02 năm triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, trên địa bàn thành phố đã có gần 3.000 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng lan tỏa tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một giải pháp thiết thực trong triển khai hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Học Bác thi đua lao động sản xuất
“Em đọc đến tỉnh nào rồi?”, chị Phạm Thị Liên (công nhân Công ty CP Saigon Food) hỏi cô đồng nghiệp khi cả 2 bước đến bản đồ được treo trong khu vực nghỉ trưa. “Em đang đọc tới Bình Thuận. Bữa giờ điện thoại hư phải sửa, nay em mới ghé đọc”, cô đồng nghiệp trả lời, rồi xin phép về chỗ nghỉ trưa đọc thông tin trước khi vào giờ làm việc buổi chiều.
Tạm biệt đồng nghiệp , chị Liên tìm góc đẹp để chụp hình bản đồ thật nét, sau đó quét mã QR để tiếp tục tìm hiểu thông tin về Bác Hồ qua tấm bản đồ. Chị Liên chia sẻ: “Tôi càng đọc càng thấy hay nên cứ đọc đi đọc lại, nhiều đoạn tôi thuộc luôn. Đám nhỏ ở nhà thấy chỉ cần quét vào ô nhỏ ở bản đồ mà ra bao nhiêu hình ảnh nên cũng thích thú đọc với mẹ. Bữa trước tôi có chụp rồi nhưng lỡ tay xóa mất, giờ phải chụp lại”.
Tấm bản đồ mà chị Liên tìm hiểu là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Theo dấu chân Bác - Khắc ghi lời Bác dạy, thi đua lao động sản xuất”, được Đảng ủy Khu công nghiệp Vĩnh Lộc triển khai theo dạng bản đồ số. Theo Bí thư Đảng ủy Khu công nghiệp Vĩnh Lộc Hồ Hoàng Nam, sau thời gian triển khai không gian văn hóa vật thể nhưng chi phí cao, tính lan tỏa thấp vì công nhân khó tiếp cận, Đảng ủy đã thí điểm mô hình bản đồ số. Đó là bản đồ Việt Nam phác họa về những sự kiện chính trị quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ gắn với các tỉnh, thành phố Bác đi qua; các lời dạy của Bác với tổ chức công đoàn và công nhân lao động. Các thông tin trên được thể hiện bằng infographic trực quan sinh động, ngắn gọn, theo từng mốc thời gian. Công nhân tiếp cận thông qua hình thức quét mã QR. Bản đồ được đặt ở nơi thường tập trung đông công nhân như nhà ăn, nhà nghỉ, nhà xưởng, bản tin doanh nghiệp. Sau 5 tháng triển khai, Không gian văn hóa “Theo dấu chân Bác - Khắc ghi lời Bác dạy, thi đua lao động sản xuất” đã được triển khai ở 18 chi bộ, 21 chi đoàn và 52 công đoàn cơ sở.
Điều đáng mừng là nhiều chủ doanh nghiệp ủng hộ triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng chí Hồ Hoàng Nam nhận xét, không gian văn hóa đã từng bước thấm vào nhận thức của người lao động, hình thành nhiều phong trào thi đua sáng tạo trong sản xuất, thi đua tiết kiệm…, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp.
“Sứ giả” kết nối tư tưởng Bác với thế hệ trẻ
Ở địa bàn dân cư, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng từng bước tác động đến ý thức, hành động của người dân. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, TP Thủ Đức có gần 320 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngoài không gian văn hóa trong các cơ quan, công sở, TP Thủ Đức tập trung xây dựng không gian văn hóa tại khu vực công cộng để nhiều người dân tiếp cận được tài liệu, thông tin về Bác.
Trở lại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 2 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) vào một ngày đầu năm 2024, chúng tôi ấn tượng khi các em học sinh khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức) hào hứng đọc, trao đổi những tư liệu về Bác: “A, quê của Bác Hồ cùng quê với bà ngoại tớ, ở Nam Đàn, Nghệ An đó”, “Đố bạn, Bác Hồ sinh ngày nào?”, “Ở đây có di chúc của Bác Hồ nè, tụi mình cùng đọc đi”…
Thầy Thống Phước Quyền, giáo viên phụ trách Đội, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết, khi địa phương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trường thường xuyên đưa các em tới đây để tham quan, tìm hiểu. Từ các thông tin này, thầy cô tiếp tục gợi mở để các em tìm hiểu thêm các câu chuyện về Bác Hồ, từ đó vận dụng vào đời sống hàng ngày. Nhiều câu chuyện của Bác đã được các em học tập và làm theo, như nghe lời thầy cô, đi học đúng giờ, chăm chỉ học tập, biết tiết kiệm điện, nước và dụng cụ học tập…
Gặp các em học sinh tại không gian văn hóa, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (cựu chiến binh, ở khu phố 2) nhiệt tình hướng dẫn các em đọc thông tin và giải thích cặn kẽ ý nghĩa từng câu nói của Bác. “Chúng tôi sống trong thời chiến, thấm thía vô cùng tình cảm, sự hy sinh của Bác dành cho đất nước. Vì vậy khi có điều kiện, tôi luôn muốn lan tỏa những cảm xúc ấy đến các cháu nhỏ, đó cũng là cách để chúng tôi lan tỏa tình yêu nước và những điều tốt đẹp mà vị cha già của dân tộc đã để lại”, bà Lệ chia sẻ.
Cũng đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở địa bàn dân cư, nhiều đơn vị có cách làm hay, như huyện Bình Chánh có mô hình “100% nhà trưởng ban công tác Mặt trận ấp/khu phố có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, sau đó được nhân rộng ra tại các ấp, tổ nhân dân. Hay trên 50% khu phố ở quận 5 có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo mô hình mở, được đầu tư trang trọng, giúp không gian con hẻm của khu phố đẹp hơn, sáng hơn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận xét, các địa phương, đơn vị đã hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, ấn tượng, đa dạng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố.
Nhiều không gian được hình thành trong các cơ sở tôn giáo, trường học, khu dân cư, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ và trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong mỗi chúng ta đều có sự quý mến và lòng kính trọng đặc biệt dành cho Bác. Và TPHCM lan tỏa để biến tình cảm ấy thành hành động học theo, làm theo Bác, để những giá trị ấy trường tồn, trở thành một đức tính tốt đẹp của người dân thành phố
Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
Nhạc sĩ VÕ THIÊN LAN: Nơi thể hiện tâm tình dành cho Bác
Là một nhạc sĩ, với tôi, mỗi bài hát về Bác là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đề tài về Bác thì bao la, rộng lớn, song để truyền tải được tình yêu dành cho Bác, ca ngợi về đức tính, sự vĩ đại của Bác đến với mọi người qua lời ca tiếng hát, lại không dễ. Dành hơn 1 năm để hoàn thành bài hát “Ba Đình vẫn vang vọng tiếng Người” (thơ Trần Thế Tuyển), thành quả tôi nhận lại là sự đón nhận của khán giả, là sự đồng điệu về cách nghĩ, là cảm nhận chung về đức tính tốt đẹp của Bác Hồ mà chúng tôi muốn lan tỏa. Tác phẩm đoạt giải A Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021-2025.
Phó Bí thư Đảng ủy Sở LĐTB-XH TPHCM VÕ SĨ: Cách ứng xử nghĩa tình
Việc học tập và làm theo Bác gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở bệnh nhân tâm thần là cách ứng xử đầy nghĩa tình. Đó là giáo dục cho những học viên cai nghiện ma túy bị khiếm khuyết về nhân cách trở thành người có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương, năng động trong công việc và cuộc sống. Còn đối với bệnh nhân tâm thần thì đó là tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm với họ. Thời gian qua, những hành động đẹp ấy được lan tỏa rộng rãi trong mỗi cán bộ, người lao động tại các cơ sở do Sở LĐTB-XH quản lý.
Tác giả: Thu Hường
(Công Thiện, sưu tầm)