Ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là ngày lễ trọng đại của nước ta, là ngày mà tất cả người Việt Nam cùng hướng về cội nguồn của dân tộc, nhớ ơn các Vua Hùng có công dựng nước và các thế hệ đồng bào đã hy sinh, cống hiến bảo vệ, gìn giữ cõi bờ để đất nước Việt Nam. Từ năm 2007, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước qui định là ngày lễ trọng, cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ lễ. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng của dân tộc, văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" như một tinh thần văn hóa Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam có ca dao lưu truyền từ xa xưa :“Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". “Dù ai muôn dặm bôn ba. Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba thì về”. Ca dao được lưu truyền bao đời nay, chính là lời nhắc nhở để mọi người Việt Nam luôn luôn nhớ rằng, chúng ta cùng một Tổ tiên, cùng chung một cội nguồn, cùng chung hai chữ đồng bào, ruột rà, máu thịt, một Mẹ Âu Cơ sinh ra. Mỗi người Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm sao để xứng đáng với Tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giổ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để mọi người Việt Nam đề cao niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, để từ đó có ý thức làm những việc ích nước, lợi dân và cộng đồng. Ngày giỗ Tổ cũng là dịp các gia đình quây quần bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Gia đình là môi trường của tình thương yêu, biết ơn thành kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Lễ hội Đền Hùng
Trên thế giới hiếm có dân tộc nào có tín ngưỡng thờ chung một Tổ như nước Việt Nam ta. Đó là nét văn hóa đặc sắc của Dân tộc Việt Nam. Công đức Quốc Tổ Hùng Vương được nhân dân ta truyền tụng từ đời này sang đời khác với lòng biết ơn vô hạn: “Quốc Tổ Hùng Vương dựng nghiệp nhà/ Văn Lang truyền thuyết nước Nam ta/ Phong Châu tên gọi kinh thành cũ/ Ngũ Lĩnh là nơi biên ải xa/ Thắt nút trị dân thời bình trị/ Vung gươm đánh giặc lúc can qua/ Tổ Tiên giữ nước bao công sức/ Con cháu chung lòng kiến quốc gia”. Ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba chính là ngày lễ nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước. Ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Cùng với nhà thơ Xuân Quỳ, chúng ta cùng hát những câu thơ hay về cội nguồn dân tộc : “Ai về Cổ Tích, Hy Cương/ Lâm Thao, Phú Thọ rừng bương đồi chè/ Đêm nằm như vẫn còn nghe/ Trống đồng vang vọng suối khe ruộng đồng/ Mây bay vẫn dáng Tiên Rồng/ Âu Cơ lưng địu, tay bồng, vai mang/ Vua Hùng dựng nước Văn Lang/ Núi sông voi ngựa hàng hàng uy nghi/ Vương triều khi thịnh, khi suy/ Lửa hồng son sắt chẳng khi nào tàn/ Một vùng nắng dội, mưa chan/ Mồ hôi đổ xuống, bản làng mọc lên/ Cháu con nghìn thuở không quên/ Ngày giỗ Tổ, bao hồn thiêng hội về. Chúng ta mãi mãi nhớ về nguồn cội, nhớ mãi công ơn dựng nước của Quốc Tổ Hùng Vương và bao nhiêu thế hệ cha ông đã dày công vun đắp để có giang san gấm vóc Việt Nam tươi đẹp của hôm nay./.
Hoài Nguyễn
Chú thích ảnh: Lễ hội Đền Hùng