ĐỌC BÀI THƠ “HÃY NHỚ LẤY LỜI TÔI” (15/10/2023)

ĐỌC BÀI THƠ

“HÃY NHỚ LẤY LỜI TÔI”

 

Cách đây 59 năm (10/1964 –10/2023), với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, Anh  Nguyễn Văn Trỗi đã đặt bom trên cầu Công Lý, ám sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra. Kế hoạch không thành, anh bị giặc bắt.

Ngày 10/8/1964, Anh Nguyễn Văn Trỗi bị đưa ra tòa án quân sự chính quyền Sài Gòn. Tại tòa, anh Nguyễn Văn Trỗi khẳng định: “Tôi giết bọn cướp nước tôi.” Để đập lại những luận điệu của tên quan tòa, anh dõng dạc nói: “Các ông mà cũng nói đến pháp luật sao? Không có thứ pháp luật nào cho phép quốc gia này đi xâm lược quốc gia khác ! Mỹ xâm lược Việt Nam là đã chà đạp lên những điều cơ bản của luật pháp! Thế mà các ông còn nói rằng quốc gia của các ông có pháp luật!”

Anh bị tòa án quân sự kết án tử hình và chúng đã định ngày xử bắn. Ðột nhiên có tin du kích quân Caracas (Venezuela) bắt được viên trung tá không quân Mỹ Michael Smolen và báo cho Tổng thống Mỹ Johnson đòi đổi mạng cho anh Trỗi. Họ dọa: “Nếu ở Việt Nam xử bắn anh Trỗi thì một giờ sau ở Venezuela, quân du kích sẽ thủ tiêu trung tá Mỹ.” Mỹ đành phải ra lệnh cho chính quyền Sài Gòn hoãn lại ngày hành hình anh Trỗi. Nhưng khi quân du kích Venezuela thả trung tá Smolen thì chúng lật lọng, vội vàng đem anh Trỗi xử bắn.

Lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, khi ra pháp trường tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa, Anh Nguyễn Văn Trỗi bình thản, không đồng ý bịt mắt và xưng tội, hùng hồn vạch trần tội ác xâm lược của giặc Mỹ, trước các ký giả và hô to: “Ðả đảo bọn xâm lược Mỹ và tay sai ! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Từ sự hy sinh của Anh Nguyễn Văn Trỗi, Nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi”, ca ngợi về khí phách hiên ngang, anh hùng của Anh Nguyễn Văn Trỗi trong 9 phút ngắn ngủi ở pháp trường. Mở đầu, nhà thơ nói về khoảnh khắc lịch sử của một con người, con người rất bình thường, giản dị, song, khí phách anh hùng trong con người ấy trỗi dậy mãnh liệt, sự mãnh liệt ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước vĩ đại : “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hoá thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người từ chân lý sinh ra” !

Sự hy sinh của Anh như hào quang lan tỏa, không chỉ ở Việt Nam mà làm chấn động toàn thế giới. Và cả thế giới đã lên án đế quốc Mỹ lật lọng, tráo trở. Và chính sự chết của anh lại biến anh thành bất tử trong lòng Nhân dân Việt Nam và nhân loại : “Nguyễn Văn Trỗi/ Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng, vĩ đại”. “Hỡi người Anh, đã khép chặt đôi môi/Tiếng Anh hô: “Hãy nhớ lấy lời tôi!”/Đã vang dội. Và ánh đôi mắt sáng/Của Anh đã chói ngời trên báo Đảng”.

Baì thơ đã tường thuật lại buổi sáng mùa thu giặc đưa Anh Trỗi ra pháp trường xử bắn, chúng dẫn anh đi giữa hai tên lính gác ngục và theo sau là một linh mục để làm lễ cầu nguyện cho anh. Nhưng khí phách hiên ngang lẫm liệt của Anh đã khiến cho bọn giặc khiếp sợ : “Bầy giết thuê và lũ viết thuê/ Hai hàng đen, súng cắm lưỡi lê/ Anh bước tới, mắt nhìn, bình thản/ Như chính Anh là người xử án”. Lời của Anh đanh thép vang lên, chỉ vào mặt bọn Mỹ và tay sai, hỏi ngược lại bọn giặc: “Anh thét to: “Ta có tội gì đây?”/ Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây/ Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt/ Anh thét lên: “Chính Mỹ kia là giặc! Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen/ Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn/ Với cái chết, Anh muốn nhìn giáp mặt/ Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt”!

Thấy anh hiên ngang, không sợ chết, bọn lính phát run, chúng run lên, xông trói chặt anh lại, rồi ra lệnh cho anh quỳ xuống, anh không quỳ, bọn chúng càng hung tợi xông lên. Nhưng ánh mắt anh hùng của anh vụt sáng lên như ngọn lửa, thét lớn hơn nữa : “Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn/ Phải chiến đấu như một người cộng sản/ Trái tim lớn không sợ gì súng đạn/ Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi/ Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!/Hồ Chí Minh muôn năm!/ Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!”

Nhà thơ đã nói lên sự phản kháng mãnh liệt, lan tỏa, biến thành hành động cụ thể từ một đất nước xa xôi : “Anh đã chết, Anh Trỗi ơi, có biết/ Máu kêu máu, ở trên đời, tha thiết!/ Du kích quân Ca-ra-cát đã vì Anh/ Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành” … Anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng ngọn lửa cách mạng trong anh mãi trường tồn, thắp sáng ngọn lửa yêu nước cho triệu trái tim tuổi trẻ Việt Nam. Những lời nói bất diệt trước khi hy sinh của anh sẽ còn vang mãi trong tâm trí những con người yêu nước, vang mãi trong tim những con người trẻ tuổi mang trong mình niềm hi vọng, tương lai của đất nước.

Bài thơ khép lại với những vần thơ chan chứa yêu thương, kính phục tấm gương hy sinh vĩ đại của người Anh hùng và nguyện cùng với anh, những thế hệ nối tiếp sẽ noi gương anh sống với sự biết ơn và cống hiến vì sự trường tồn giàu mạnh của đất nước và Tổ quốc thương yêu : “Hãy nhớ lấy lời tôi! Nguyễn Văn Trỗi/ Lời Anh dặn, chúng tôi xin nhớ: Hãy sống chết quang vinh/ Trước kẻ thù không sợ/ Vì Tổ quốc hy sinh/ Như lời Anh, người thợ”./.

                                                                             Nguyễn Ngọc Cơ

Chú thích ảnh :

-         Anh Nguyễn Văn Trỗi trước họng sung quân thù (15/10/1964)

Bài viết tương tự

Tuyên giáo và báo chí – Lĩnh vực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt

Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhiều năm làm công tác tư...

Đọc thêm

Nhớ lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”

Nhớ lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Danh dự...

Đọc thêm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung...

Đọc thêm