Cái hay, cái đẹp của bài thơ “Nguyên tiêu”

Nhân ngày Thơ Việt Nam (15 tháng giêng, âm lịch năm Giáp Thìn - 2024)

Cái hay, cái đẹp 

của bài thơ “Nguyên tiêu”

 

     Nguyên tiêu là bài thơ xuân, thơ trăng hay nhất của Bác Hồ. Năm 2003, nhân dịp 55 năm nhà thơ Hồ Chí Minh làm bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý – 1948), Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng giêng hàng năm làm “Ngày thơ Việt Nam”. Bài thơ Nguyên tiêu được nhà thơ Hồ Chí Minh sáng tác bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ, bốn câu) : 

   Nguyên Tiêu

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.       

Nhà thơ Xuân Thủy dịch, chuyển theo thể thơ lục bát (câu sáu, câu tám) :

   Rằm tháng Giêng

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.



Bài thơ Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh 

      Bài thơ Nguyên tiêu được lồng trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhưng nội dung chính là một bài thơ ra trận của một vị tướng quân. Trăng khuya mùa xuân vằng vặc, bát ngát … hòa quyện con người với thiên nhiên, lãng mạn, nên thơ và trữ tình … Một kế hoạch đánh giặc được bàn bạc trên sông ở vùng sâu thẳm, bí mật trong đêm trăng tròn mùa xuân ấy. Người tướng quân với tâm hồn thơ của mình đã hoàn toàn làm chủ tình hình, nắm chắc thế trận, biết ta, biết địch nên thần thái ung dung, tâm hồn thoáng đạt đã dệt nên một tứ thơ hòa quyện tự nhiên với cái đẹp, cái trong sáng của vũ trụ, đất trời …

     Hai câu đầu của bài thơ vẽ lên một đêm rằm tháng giêng, trăng tròn, đẹp, sáng rọi xuống mặt sông đầy lấp lánh màu xanh ngọc bích hòa cùng màu xanh bất tuyệt của trời đất … Vị tướng quân, vừa là nhà thơ đang thưởng trăng ngày rằm,  không chỉ mang cốt cách của tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người tướng lĩnh đánh giặc, đang bàn bạc việc quân sự. Hai câu cuối của bài thơ nói lên nội dung của những con người đang thưởng nguyệt trên con sông trăng, sông xuân ấy. “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. “Yên” là khói “ba” là sóng. Yên ba là khói sóng. Một số nhà thơ xưa thường sử dụng hai từ này để diễn đạt nỗi buồn xa nhà, nhớ quê hương (“Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”[1] – Thôi Hiệu, đời nhà Đường, Trung Quốc). Trong bài thơ “Tràng Giang” của mình, nhà thơ Huy Cận cũng liên hệ đến thi liệu cổ này “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Tuy nhiên, đến Hồ Chí Minh, thay vào nỗi buồn tha hương ở nơi khói sóng kia, là một nhiệm vụ đặc biệt : “đàm quân sự”- bàn bạc việc quân, việc nước” … Mặc dù bài thơ mang phong vị Đường thi, song, hồn thơ, tứ thơ, ý thơ hoàn toàn khác, đã làm cho bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh có nội dung mạnh mẽ, khác biệt với thơ của người xưa thường diễn đạt nỗi niềm cảm hoài, ly xứ, tha hương ...

    Đọc thơ Hồ Chí Minh, chúng ta thường thấy Người rất yêu thiên nhiên, muôn loài, vạn vật. Sông, núi, trăng, cây, hoa lá … trong thơ Hồ Chí Minh hữu tình, đằm thắm, thấm đẫm tâm hồn con người : "Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa" (bài thơ “Cảnh khuya”), "Trăng vào cửa sổ đòi thơ" (bài thơ “Tin thắng trận”), "Xem sách, chim rừng vào cửa đậu” (bài thơ Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn) …Qua đó , với bài thơ Nguyên tiêu, thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh đã đạt tới cảnh giới của sự hòa quyện giữa trăng, trời, sông nước với hồn người … Hình ảnh đêm mùa xuân và con thuyền trăng trôi trên dòng sông trầm mặc trong khói sóng, qua con mắt nhìn văn chương của người đọc đã tạo nên hiệu ứng lâng lâng khó cưỡng, khó tả … về cái hay, cái đẹp, sự hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình của thiên nhiên và con người đang làm chủ thiên nhiên ấy ! Bài thơ còn toát lên, vút lên phong thái điềm tĩnh, ung dung, tự tại của vị tướng quân, biết mình, biết người, biết cả hiện tại, biết được sự huy hoàng, chắc thắng của công cuộc chống quân xâm lược ở ngày mai … Quả thực, đúng như sự tôn vinh của nhiều người : “Nguyên tiêu” là “viên ngọc thơ trăng”, một đóa hoa xuân tuyệt đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh./.

                                                                                       Nguyễn Ngọc Cơ

Chú thích ảnh: Bài thơ Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh

 

Bài viết tương tự

Lật tẩy những chiêu trò xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng

Không gian mạng là môi trường đặc biệt mà con người có thể trao đổi...

Đọc thêm

Lãnh đạo TPHCM thăm, chúc tết các đơn vị trực đêm Giao thừa

Tối 28-1 (tức 29 tháng Chạp), đoàn lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND...

Đọc thêm

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc tết Bộ đội Biên phòng TPHCM đêm Giao thừa

Tối 28/1 (tức 29 Tết), Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND, Ủy...

Đọc thêm