Trong văn học đương đại, hình tượng “Bộ đội cụ Hồ” là một đề tài lớn, cảm xúc dạt dào, nguồn thơ vô tận … Từ ngày “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” được thành lập (22/12/1944) đến nay, với đức hy sinh, sáng ngời lòng yêu nước, thương dân, dạn dày mưa nắng, gan góc, dũng cảm trong chiến đấu, hồn hậu với nhân dân … đã làm rung động biết bao hồn thơ, ý nhạc. Và những ý nhạc, hồn thơ ấy đã dệt thêu nên hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” – Người anh hùng của thời đại mới, vừa lung linh, huyền ảo, lại vừa mộc mạc, chân chất, thấm đẫm tình người, tình quân dân, tình đồng chí, tình đồng đội yêu thương đến ngút ngàn, sâu thẳm, lay động lòng người ! …
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” được nhà thơ Tố Hữu khắc họa giản dị mà ấm áp biết bao : “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế”. Thời kỳ đầu kháng chiến, “Bộ đội cụ Hồ” đến với nhau với tình đồng chí sâu nặng, cùng lý tưởng, cùng nguồn cội “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mà hy sinh, quên mình …”, chung sức, chung lòng, đồng cam, cộng khổ : “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm bàn tay” (Đồng chí - Chính Hữu). “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” … (Nhớ - Hồng Nguyên). “Bộ đội cụ Hồ” mang trong mình một lý tưởng thiêng liêng, cao đẹp, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Viết về đời sống, chiến đấu của những người chiến sĩ ấy, có nhà thơ đã nghẹn ngào, vừa thương yêu, vừa nể trọng, lời thơ như nấc lên, thương cảm : “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh/ Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/ Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà” (Lên Cấm Sơn - Thôi Hữu). Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng đi vào tâm hồn của từng người chiến sĩ, nói lên những ước muốn bình thường, những ước mơ thầm kín của họ ở khía cạnh chân thật nhất, con người nhất … Song, ở góc độ thực tế của chiến tranh, đó là một khí thế hào hùng, anh hùng nhuốm đượm màu đỏ sử thi, kiêu hùng, lãng mạn cách mạng : “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. “Bộ đội cụ Hồ” sống, chiến đấu, lao động … trong nhà dân, trong lòng dân, trong sự nuôi dưỡng, đùm bọc, yêu thương của nhân dân. Quân với dân là cá với nước không thể xa rời, tách rời. Sự gắn bó ấy đã làm nên sức mạnh vô địch để sau này có chính danh là “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Dân là mẹ, bộ đội là con : “Bầm ơi có rét không bầm/ Hiu hiu gió núi lâm râm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần … nhớ thương con bầm yên tâm nhé/ Bầm của con mẹ Vệ quốc quân” (Bầm ơi – Tố Hữu) …
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi. Thực dân Pháp đầu hàng. Công đầu thuộc về “Bộ đội cụ Hồ” : “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện”… Và “Bộ đội cụ Hồ” đã viết tiếp lịch sử hào hùng, vẻ vang cho Dân tộc Việt Nam : “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu) ...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), “Bộ đội cụ Hồ” cũng là hình tượng trung tâm của thơ ca, nhạc họa … Nhà thơ Tố Hữu đã viết : “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Bộ đội cụ Hồ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ càng rõ nét với đức hy sinh vô bờ bến, như vị Thánh Gióng ngày xưa, càng gió càng lớn, càng đánh càng mạnh : “Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào Anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ/ Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu, hỡi người dũng sĩ/ Cả năm châu chân lý đang nhìn theo” (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu). Như trên con đường vạn dặm, “Bộ đội cụ Hồ” tiếp tục hành quân, chiến đấu, “Nơi nào có giặc thì ta cứ đi”. Và trong bài thơ “Anh vẫn hành quân”, nhà thơ Trần Hữu Thung đã ca ngợi với tâm tình cảm khái, xúc động : “Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng (…)/ Anh vẫn hành quân/ Như chín năm kháng chiến/ Năm nay tròn thêm chín/ Anh vẫn hành quân”…
Và còn, còn rất nhiều hồn thơ, ý nhạc ca ngợi “Bộ độ cụ Hồ”. Trong một bài viết ngắn không thể nào nói hết được. Xin gửi vào đây những câu thơ mà tôi cho là đẹp nhất khắc họa hình tượng “Bộ đội cụ Hồ” :“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/Lá ngụy trang reo với gió đèo” (Lên Tây Bắc – Tố Hữu)./.
Hoài Nguyễn