Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người. Trong giáo dục đạo đức, Người rất coi trọng phương thức “nêu gương”. Người đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói). Người quan niệm, giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể và cũng là đối tượng của giáo dục đạo đức. Vì vậy, ai cũng có thể và cần phải luôn luôn nêu tấm gương về đạo đức.
Tác dụng nêu gương giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội. Bác Hồ đã từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"[1]. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức. Trong gia đình, đó là tấm gương của cha, mẹ đối với con cái, của anh, chị đối với các em; trong xóm làng, khu phố, đó là tấm gương của các bậc cao niên, các đảng viên, cựu chiến binh, thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ. Trong cơ quan Đảng và Nhà nước, đó là tấm gương của các đồng chí phụ trách, các đồng chí lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, nhân viên. Trong đơn vị quân đội, đó là tấm gương của các cấp chỉ huy, các chính ủy, chính trị viên đối với chiến sĩ, của cấp trên đối với cấp dưới. Trong toàn xã hội, đó là tấm gương của những "người tốt việc tốt", đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân.
Nền đạo đức mới chỉ trở thành nền tảng văn hóa của xã hội khi những phẩm chất đạo đức trở thành hành vi đạo đức phổ biến trong toàn xã hội, trong đó những tấm gương đạo đức có tác dụng thúc đẩy việc hình thành nền tảng văn hóa đó. Bác Hồ là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức và có nhiều cống hiến về tư tưởng đạo đức cách mạng. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, là hiện thân của nền đạo đức mới Việt Nam.
Đảng ta phát động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua đó, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong đoàn viên, hội viên các đoàn thể, hệ thống chính trị, góp phần làm tỏa sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xua tan bóng tối của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng chạy theo đồng tiền, chạy theo quyền lực, địa vị… đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội trong đời sống hàng ngày.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học cho được cái gốc, tức là học cho được cái tâm và tấm lòng của mình trước nỗi khổ của nhân dân, của con người, của đồng loại, biết đồng cảm, sẻ chia những bất hạnh của mỗi cảnh đời trong cuộc sống. Đã có hàng nghìn trang sách, hàng nghìn câu chuyện cảm động về cuộc đời và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Cu Ba, Phiđen Caxtơrô từng viết: “Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và cao cả nhất ... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.
Thực tế ở địa phương nơi cư trú, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi người dân… chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là cái gì cao xa, khó thực hiện. Theo tôi, đó là những công việc rất giản dị, gần gũi, phù hợp với suy nghĩ, với công tác, với việc làm hàng ngày của mỗi người. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị cơ sở hãy làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc của mình phụ trách, thực hiện; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao, không ỷ lại, không dựa dẫm, biết tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của công, của cơ quan, đơn vị, của tập thể, của bản thân mình; trong sạch, không tham lam về vật chất, địa vị, chức quyền ... Phải luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Trong việc công : "Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc", “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, biết phát hiện nhân tốt mới tốt đẹp, động viên, cổ vũ “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua của khu dân cư, của địa phương, của đơn vị mình phụ trách, theo dõi, biết quan tâm, giúp đỡ, giải quyết những nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân …
Suy nghĩ về sự nêu gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta luôn ghi nhớ lời dạy của Người : “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn “Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và mãi mãi giữ nguyên tính thời sự, soi sáng cho Đảng và Nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, xây dựng nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc./.
Hoài Nguyễn
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr. 284.